Bài viết

Những điều cần lưu ý sau khi gắn mắc cài

4 điều bạn cần biết

1. CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG

Vấn đề khi mang mắc cài là thức ăn sẽ dễ dàng mắc lại trong miệng hơn nên hãy đánh răng ngay sau khi ăn, trước khi thức ăn có thể hình thành mảng bám trên răng.

Video hướng dẫn cách vệ sinh răng miệng và những mẹo nhỏ khi mang mắc cài:


4 bước chải răng đúng cách dành cho người niềng răng:
1/ Nghiêng bàn chải 45 độ và chải nhẹ phía TRÊN mắc cài từ sau ra trước
2/ Nghiêng bàn chải 45 độ và chải nhẹ phía DƯỚI mắc cài từ sau ra trước
3/ Dựng đứng bàn chải và chải mặt nhai các răng sau
4/ Nghiêng bàn chải 45 độ về phía trong và chải sạch mặt trong từ sau ra trước

*Lưu ý:
- Sử dụng bàn chải cầm tay bình thường với sợi lông mịn, đường kính 0.01mm. Dùng chỉ nha khoa lấy thức ăn ở kẽ răng. Dùng bàn chải lông chuột nhỏ lấy thức ăn dính vào giữa các mắc cài
- Mỗi lần chải 3 răng với động tác rung nhẹ (tránh chải mạnh theo chiều ngang vì sẽ làm khuyết men răng)
- Thời gian chải răng dành cho người mang mắc cài được đề nghị là 4 phút (bình thường là 2 phút)

5 Bước sử dụng TĂM NƯỚC đúng cách

Bước 1: Sau khi đổ nước vào bình chứa của máy, chọn cường độ thấp nhất bắt đầu từ số 1

Bước 2: Nghiêng đầu về phía bồn rửa, đặt vòi xịt vào trong miệng

Bước 3: Mở máy, khép nhẹ môi

Bước 4: Đặt đầu vòi xịt ở răng trong cùng, hướng tia nước về phía đường viền nướu nơi tiếp giáp với mặt ngoài răng một góc 90 độ. Di chuyển chậm từ răng sau ra trước, dừng lại ở từng kẽ răng 3 giây để làm sạch thức ăn mắc kẹt giữa răng. Di chuyển từ phải sang trái hoặc ngược lại.

Bước 5: Đặt đầu xịt từ phía trong và lặp lại bước 4

*Lưu ý: Bạn có thể tăng dần độ mạnh của máy sao cho có cảm giác nướu được “massage” nhưng không quá mạnh vì có thể làm tổn thương và chảy máu nướu.

Tăm nước là một công cụ hỗ trợ làm sạch răng rất hiệu quả đặc biệt cho người đang mang mắc cài chỉnh nha (niềng răng) hoặc có vấn đề về tình trạng nha chu.

Bạn có thể xịt rửa với nước muối pha loãng hoặc nước sát khuẩn chlorhexidine (pha loãng tỷ lệ 1/10) 1-2 lần/tuần để tăng hiệu quả diệt khuẩn.



2. ĐAU SAU KHI GẮN MẮC CÀI

• Các cơ trong miệng sẽ cố gắng chống lại sự xuất hiện của mắc cài, làm bạn thấy khó chịu, không thoải mái, có thể bị trầy môi, lưỡi. Điều này chỉ có thời gian mới giúp được bạn. Thông thường sau 2-4 tuần, bạn sẽ quen với mắc cài.

• Cảm giác đau do chỉnh nha thường không quá nhiều, bạn có thể dùng thuốc giảm đau để dễ chịu hơn, tuy nhiên không nên lạm dụng, nếu đau quá sức chịu đựng, hãy báo ngay với bác sỹ của bạn.

• Vết loét do ma sát, trầy xước trong miệng nên được khám lại với bác sỹ chỉnh nha, sáp chỉnh nha có thể giúp bạn giải quyết vấn đề.

 

3. ĂN UỐNG SAU KHI CHỈNH NHA

• Việc ăn uống sau chỉnh nha không cần kiêng cử, bạn có thể ăn thoải mái như trước khi gắn mắc cài. Thức ăn dai, cứng nên được cắt nhỏ.

• Vấn đề có thể xảy ra là bạn sút mắc cài khi vô tình ăn thức ăn quá cứng, và việc này không nghiêm trọng, bác sỹ có thể gắn lại cho bạn dễ dàng. Đừng vì sợ rơi mắc cài mà từ bỏ thú vui thưởng thức ẩm thực.

 

4. KHÍ CỤ DUY TRÌ

*Bạn cần hiểu rằng bộ răng tự nhiên cho dù không điều trị chỉnh nha vẫn sẽ thay đổi vị trí trong suốt cuộc đời của bạn, nên để giữ mãi kết quả thẩm mỹ sau cùng, lời khuyên của bác sỹ là nên mang hàm duy trì nhắc lại trong suốt thời gian sau khi tháo mắc cài.

Hàm duy trì phải được mang liên tục trong vòng 3-6 tháng sau khi tháo mắc cài, chỉ tháo ra khi ăn và chải răng. 

Sau 6 tháng, bạn có thể mang khi đi ngủ và sau 1 năm có thể mang nhắc lại 3-5 đêm / tuần.   

Nếu hàm duy trì bị lỏng, gãy bạn nên đặt hẹn ngay với bác sỹ để thay hàm mới.