Bài viết

KHÍ CỤ DUY TRÌ là gì ?

Trong nha khoa, để duy trì vị trí của răng sau khi điều trị chỉnh nha (niềng răng), khí cụ duy trì sẽ được làm riêng cho từng bệnh nhân ,sau khi tháo mắc cài.

Mục đích là ngăn không cho răng di chuyển trở lại vị trí ban đầu, gây ra tình trạng “tái phát” sau khi tháo mắc cài, mà thường gặp nhất là hở kẽ răng, răng xoay.

Có hai loại khí cụ duy trì chỉnh nha phổ biến: khí cụ duy trì cố định, được gắn vào bên trong răng và không thể tháo ra (thường được dán ở mặt trong răng cửa dưới), và khí cụ duy trì tháo lắp, có thể lấy ra khi ăn và vệ sinh răng miệng (thường chỉ định cho hàm trên, có thể cả hàm dưới). 

Tần suất mang hàm duy trì được đề nghị:

- Mang liên tục toàn thời gian 24/7 trong vòng 6 tháng đầu sau khi tháo mắc cài, chỉ tháo hàm khi ăn & chải răng.

- Sau 6 tháng đầu, nếu kết quả ổn định, chuyển sang mang buổi tối khi ngủ trong 18 tháng tiếp theo.

- Sau 2 năm, bạn có thể mang 3-4 buổi tối / tuần để duy trì lâu dài. 


Bạn cần hiểu rằng với bộ răng tự nhiên, các răng sẽ thay đổi vị trí trong suốt quá trình ăn nhai (cho dù không có điều trị chỉnh nha) và đây là một quá trình sinh lý. Vì vậy, khí cụ duy trì là một phần quan trọng nhằm đảm bảo kết quả điều trị, giữ răng đều và duy trì khớp cắn.

Đeo hàm duy trì theo chỉ định của Bác sĩ chỉnh nha, thời gian & tần suất đeo hàm duy trì có thể khác nhau tùy theo từng trường hợp.