Bài viết

ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI MANG MẮC CÀI CHỈNH NHA ??

Điều khiến bạn khó chịu và thôi thúc tìm đến Bác sỹ Chỉnh nha đó có phải là “thẩm mỹ khuôn mặt (hô/móm)” hay “khớp răng lệch lạc, chen chúc” ??

Tuy nhiên đây có thể chỉ là một phần nhỏ trong những vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến khớp răng của bạn, chính vì vậy bạn cần một Bác sỹ chuyên khoa Chỉnh nha khám, chẩn đoán và đưa ra một kế hoạch điều trị toàn diện cho bạn.

Một quy trình Khám, Chẩn đoán và Điều trị Chỉnh nha sẽ trải qua các giai đoạn sau:


Giai đoạn 1: KHÁM & CHẨN ĐOÁN
Chụp hình ngoài mặt & trong miệng, lấy dấu răng
Từ những dữ liệu lâm sàng này, BS sẽ có đủ cơ sở để đánh giá sự hài hoà của gương mặt, so sánh với các thông số thẩm mỹ tiêu chuẩn; chẩn đoán dạng sai hình của khớp răng (Hình 1).


Chụp phim X-quang: Nhờ phần mềm phân tích và chẩn đoán phim sọ nghiêng, BS sẽ có được dữ liệu chính xác đến 99% để chẩn đoán sai lệch về xương nếu có, đồng thời biết được những vấn đề về răng ngầm, răng dư, thiếu răng, răng nhiễm trùng, u nang … (Hình 2).

Sau khi có đủ dữ liệu chẩn đoán, BS sẽ giải thích và trao đổi với bạn về “Kế hoạch điều trị” và những “Lựa chọn điều trị” cho trường hợp của bạn tuỳ theo mong muốn bạn đưa ra và giới hạn của từng lựa chọn.


Giai đoạn 2: GẮN KHÍ CỤ CHỈNH NHA hay còn gọi là MẮC CÀI
Từ giây phút này, bạn sẽ đồng hành cùng bộ mắc cài trong suốt quãng thời gian 1-2 năm, tuy nhiên giai đoạn đầu là khó khăn nhất để bạn làm quen với một “VẬT LẠ” trong miệng. HIỂU được điều này, BS sẽ gắn mắc cài từng hàm để bạn làm quen và bắt đầu với những dây cung rất mảnh và nhẹ nhằm giảm tối đa cảm giác “Ê RĂNG” (Hình 3).

Những điều cần lưu ý khi mang mắc cài: https://drngotuananh.com/…/nhung-dieu-can-luu-y-sau-khi-gan…


*Tuy nhiên, mắc cài và dây cung có thể không đủ lực để di chuyển răng theo đúng kế hoạch, khi đó BS sẽ nhờ bạn trợ giúp bằng cách mắc thêm THUN CHỈNH NHA để di chuyển răng tốt hơn. Thun này bạn sẽ mắc cả ngày, có thể tháo ra để thoải mái khi ăn uống và chải răng (Hình 4).


*Nếu bạn bị khớp cắn ngược, BS sẽ bắt buộc phải “NÂNG KHỚP” bằng cách đắp chất trám tạm ở mặt nhai của một số răng phía sau để tránh làm chấn thương những răng cần di chuyển. Trong vài tháng này, bạn sẽ ăn nhai trên 4 cặp răng sau và bạn nên nhai nhẹ, hạn chế những thức ăn quá dai, cứng (Hình 5).


*Không may, nếu bạn thuộc dạng “Ca khó”, ngoài dây cung, mắc cài, BS sẽ cần gắn thêm khí cụ chỉnh nha hỗ trợ như: hàm nong, minivis, dây cung phụ, lò xo … điều này sẽ làm bạn khó ăn uống và vệ sinh, tuy nhiên BS sẽ thông báo trước với bạn và hướng dẫn những cách để hạn chế đau cũng như giữ sạch răng (Hình 6).


Giai đoạn 3: TINH CHỈNH
Đến giai đoạn này nghĩa là bạn đã đi được 3/4 chặng đường. Các vấn đề lớn đã được giải quyết và chỉ còn lại những chi tiết sau cùng để HOÀN THIỆN "tác phẩm" (Hình 7).


Giai đoạn 4: THÁO MẮC CÀI và DUY TRÌ
Sau khi tháo mắc cài, bạn sẽ được hướng dẫn mang hàm duy trì và tái khám theo chỉ định của BS.
*Mang hàm duy trì là BẮT BUỘC trong thời gian 1 năm đầu sau khi tháo mắc cài để giữ ổn định khớp cắn và vị trí răng của bạn. Sau đó bạn có thể mang ban đêm và mang nhắc lại để giữ kết quả mỹ mãn trong suốt quãng đời.